Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Nhìn sâm banh, thương quốc lủi


Cũng là rượu, cái phát cái lủi.

Thời hang động, hoa trái rớt xuống hốc đá, con thú dẫm đạp, rị nước, lên men... Người uống, phê. Biết nước sướng, mò theo làm, ra rượu.

Pháp, thị trấn Sainte Menehould vùng Champagne, có ông Pierre Pérignon (1638 -1715) mò mẫm làm rượu từ nho.

Tình cờ tìm ra cách làm nước sủi bọt, làm nút đóng chặt…

Thứ nước này bán được, ông nổi đình đám, được coi là hoàng thành, tôn làm Dom (tiếng La tinh Dominus là Ngài, như tước hiệu Sir bên Anh).

Pha phách lung tung, trộn pha nhiều loại. Mò mẫm chỉ bằng cái lưỡi. Tài, chỉ tự nêm nếm, chấm mút, thêm bớt...

Thế kỷ 17, nút gỗ quấn vải xung quanh, dễ hư, chua lè. Ông Perignon phát kiến đúc "sáp ong" niêm phong kín. Để lâu rượu nổ bùm bụp, bay hơi.

Hóa ra nó tự lên men, tạo bọt. Ngót đi, là thần thánh về ăn, dù ai thấy ma ăn cỗ lúc nào.

Pháp gọi là La Part des Anges, Anh Mỹ gọi là The Angels' Share, ta hay bảo là phần mời thổ địa.

Đóng kín, cho đường, lên men, tạo bọt, ra rượu. Thấy sao làm vậy, thành nghề tại vùng Champagne từ năm 1673, đã 340 năm.

Mới mẻ, nhưng lúc ấy, cái thứ nước uống gây thích Champagne cũng chỉ là quốc lủi. Rồi nhà nhà đua làm, vườn vườn đua đạp, tràn lan.

Năm 1919, Pháp ra luật kiểm định nguồn gốc (AOC - Appellation d'Origine Contrôlée), quy định rõ quy trình chế sâm banh, ranh giới các vùng rượu…

Nay Pháp mỗi năm cho ra 400 triệu chai sâm banh, trong đó có 5 triệu chai Dom Pérignon, 3/4 để xuất khẩu, thu 4,5 tỷ euro.

Đầu bảng, Dom Pérignon giá 140-150 euro/chai, là một bài thơ giấu trong lọ, óng ánh vàng, thơm dịu dàng, vị hoà tan.

Các đám cưới hoàng gia châu Âu mới dám chơi loại lớn (Magnum).

Nghe chuyện sâm banh, nghĩ thương quốc lủi Việt.

Có cái khúc nào đó quốc lủi ta chưa lủi qua được?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét