Cơ quan An ninh Liên bang Nga FSB quyết định chuyển trả tiểu thuyết "Cuộc sống và số phận" của Vasily Grossman vào kho lưu trữ hôm 25-7.
Cuốn này bị cho là “nghịch”, bị KGB tịch thu năm 1961. Thời
ấy, Liên Xô đang hừng hực tiến lên vĩ đại, nhưng lắm văn nghệ sĩ tuy
lắm tài lại nhiều tật, hay đi trước thời đại, nên thoái hóa, biến
chất, tự diễn biến…
Các lực lượng chức năng Liên Xô phải liên tục ra quân,
quyết liệt tịch thu, cấm, đuổi, truy quét… Nhiều kẻ phải biến, vượt
biên, lắm kẻ khác rũ rục, đứt, tự đứt… như tay thơ thẩn Maiacovski.
Lão Grossman viết cuốn tiểu thuyết này tuy có lòng
với đất nước, có công ghi chép… nhưng có một số tội. Chẳng hạn mô
tả các chiến dịch truy quét tệ nạn của Stalin, cải tạo lao động, tả
tiêu cực cứ như bới ra đống rác cũ…
Thế nên phải thu, quyết liệt thu. Một bạn gái của Grossman,
tên Semyon Lipkin, tò mò đọc, thấy hay rồi giấu đi một bản sao, làm
các lực lượng chức năng tóm không gọn. Bà này, tuồn sang Thụy Sĩ, mãi
đến năm 1980 mới móc nối được với các thế lực thù địch, in. Dân
chúng xem thấy khoai khoái.
Các thế lực thù địch câu kết với bọn phản động
quốc tế tâng bốc tiểu thuyết lên mây. Chả biết văn vẻ hay ho cỡ nào mà
tờ Wall Street Journal gọi đại "Cuộc đời và Số phận" là “một trong
những cuốn sách vĩ đại nhất thế kỷ XX”.
Năm 2011, tại Anh, nó trở thành cuốn sách bán chạy nhất.
Đài đọc truyện, hãng dựng phim um sùm. Có bản dịch tiếng Pháp
Cơ quan chức năng vào cuộc, lật lại hồ sơ. Vasily S.
Grossman tên thật là Joseph Solomonovich, trong Thế chiến II đi bộ đội, làm phóng viên
chiến trường, được gọi là nhà văn.
Làm phóng viên, tay này là một phóng viên đầu tiên theo
chân lính Liên Xô giải phóng trại tập trung Treblinka và Majdanek, tung lên
đề tài lò thiêu Holocaust, viết truyện "Những người bất tử".
Sau giải phóng, gã về viết văn. Lúc đầu tuân thủ
các chỉ đạo, chịu khó cắt xén, sửa sang các chỗ được hướng dẫn cho
lọt kiểm duyệt để in sách. Tuy nhiên, bản chất bướng bỉnh lại chứng
nào tật nấy, lợi dụng khi Stalin đã chết, lại dậu đổ bìm leo viết
lung tung làm dư luận hoang mang bối rối.
Sau nhiều lần phê bình nội bộ, đầu năm 1961 KGB tịch
thu bản thảo tiểu thuyết. Theo một số báo cáo mới tiết lộ, vụ việc có liên
quan một biên tập viên tên Kozhevnikov. Nghĩa là có thể Kozhevnikov là
chiến sĩ nấp sâu đã lập công, tóm tang chứng vật chứng để thu gom,
không cho in cuốn tiểu thuyết.
Grossman bị giảm biên chế lập tức. Về, gã lại lọ
mọ viết lách, móc nối mong lách được để in. Một quan chức lúc đó cưới
khẩy: cuốn sách chỉ có thể xuất bản sau 200 hay 300 năm nữa.
Năm 1988, đổi mới rồi, Tạp chí "Tháng Mười" mới
móc ra, cắt xén và in, chắc cũng để câu khách theo trào lưu “thương
mại hóa tạp chí”.
Nay cuốn sách được coi là một trong những tiểu thuyết hay
nhất của Nga. Năm ngoái, truyền hình nhà nước công chiếu phim dựa theo tác phẩm.
Ba năm sau bị thu bản thảo, năm 1964 Grossman qua đời.
Nay cuốn sách được in lại đầy đủ, dựa trên các bản thảo viết tay, đánh
máy, các trang sửa chữa, khoảng 10.000
trang.
Tiểu thuyết hiếm có thời đó vì có cả hai mặt, vừa
xây vừa chống, vừa ca ngợi tinh thần anh dũng của nhân dân Liên Xô trong Thế
chiến, vừa tố cáo việc thanh trừng thời Stalin.
Khổ vì nghĩ trước thời đại. Mọi người đang hăng hái
xây đã nóng vội hô hào vừa xây vừa chống, cứ như mỗi mình nhìn thấy
trước một bộ phận nhỏ tiêu cực cần chống.
Nay xét thấy tuy phát ngôn không đúng lúc một tý,
nhưng cơ bản là tốt, vừa xây vừa chống không vấn đề gì. Tuy có nghĩ
trước thời đại một tý, nhưng cũng đúng tôn chỉ mục đích chức năng
nhiệm vụ…
Thời đại nghĩ lại rồi, xét thấy cũng không sao, cứ
việc vừa xây vừa chống. Báo cáo thành tích: đã trả rồi nhé, cả
đống giấy cũ, vẫn nguyên văn vẻ.
Cuộc đời và số phận là cuộc đời nào, số phận nào? Là của gã, của nhà, làng xã, cả LX thời đó?...
Cuộc đời và số phận là cuộc đời nào, số phận nào? Là của gã, của nhà, làng xã, cả LX thời đó?...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét